Tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật Bản vừa công bố chỉ số phục hồi COVID-19 tháng 10/2022, theo đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8 trong số 121 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới với 75 điểm. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Việt Nam nằm trong top 10 của bảng xếp hạng này. Nikkei lần đầu công bố bảng xếp hạng chỉ số phục hồi COVID-19 vào tháng 7/2021.
Việt Nam nằm trong top 10 các quốc gia có Chỉ số phục hồi COVID-19 cao trên Thế giới. Ảnh: VOV |
Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei phản ánh năng lực kiểm soát lây nhiễm, những tiến bộ trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và việc duy trì các hoạt động xã hội. Chỉ số này càng cao thể hiện quốc gia/vùng lãnh thổ đó càng tiến gần tới sự phục hồi với tỷ lệ mắc mới và tử vong thấp, tỷ lệ bao phủ vaccine cao và có các biện pháp giãn cách xã hội ít nghiêm ngặt hơn. Vào thời điểm mới công bố tháng 7/2021, Việt Nam đứng ở vị trí 100 trên bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2022 tới nay, Việt Nam đã thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng và lọt vào top 10 cách đây 4 tháng.
Theo Nikkei Asia, Việt Nam là ví dụ điển hình về sự thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng với sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 một năm sau khi dịch bùng phát. Tuy bị tác động nặng nề bởi biến thể Delta vào giữa năm 2021, Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để khống chế dịch COVID-19.
Tiêm vaccine cho trẻ ở Việt Nam. Ảnh: VOV |
Việt Nam cũng thành công trong việc thực hiện chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó Việt Nam đạt 30 điểm tuyệt đối cho các nỗ lực triển khai chương trình tiêm chủng trong tháng 10/2022, Việt Nam cũng đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 và mở cửa hoàn toàn cho du khách nước ngoài.
Các tiến bộ trong việc khống chế dịch COVID-19 đã giúp triển vọng kinh tế của Việt Nam trở nên tươi sáng hơn. Trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay từ 5,3% lên 7,2%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính - ngân sách Nhà nước. Tính đến tháng 9/2022, tăng trưởng GDP đạt hơn 8,83%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 558,5 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 282,5 tỷ USD, thặng dư thương mại được duy trì.
Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, tăng khoảng 10,6%. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; từ đầu năm đến nay đã có hơn 163 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, cao nhất từ trước đến nay.