Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là ý kiến thống nhất của các đại biểu tại cuộc họp đánh giá kết quả các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong năm 2015 diễn ra sáng 29/12 tại Hà Nội.
(VOV5) - Đây là ý kiến thống nhất của các đại biểu tại cuộc họp đánh giá kết quả các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong năm 2015 diễn ra sáng 29/12 tại Hà Nội.


Cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Việt Nam tích cực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc  - ảnh 1
Ba sỹ quan Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (Ảnh: Hồng Pha/TTXVN)


Tại cuộc họp, các đại biểu nhấn mạnh việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là chủ trương lớn của Nhà nước và Quân đội Việt Nam, hiện thực hóa chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, tích cực chủ động đóng góp vào các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế.

Trong năm qua, các cơ quan Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã triển khai tốt các hoạt động gìn giữ hòa bình. Đặc biệt, việc hai cán bộ của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Trung Phi đã hoàn thành nhiệm vụ đợt đầu trở về nước, đang tạo ra hiệu ứng thuận lợi trong dư luận xã hội về việc Quân đội Việt Nam tích cực, chủ động triển khai chính sách đối ngoại quốc phòng, góp phần duy trì ổn định ở các điểm nóng trên thế giới.

Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã thành lập đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2, đang huấn luyện đào tạo và sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ; đang chuẩn bị lễ ra mắt Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội công binh trong quý I năm 2016.

Trong thời gian tới, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam tiếp tục huấn luyện lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình theo chuẩn của Liên hợp quốc và sẵn sàng tham gia vào một phái bộ phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam khi Liên hợp quốc có yêu cầu; tiếp tục triển khai các lớp tiếng Anh theo chương trình hợp tác với nước ngoài, đồng thời kết hợp xen kẽ đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ ngành và huấn luyện quân sự.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu