Việt Nam - Thái Lan hướng tới phát triển bền vững và an ninh khu vực

Quang Trung - Xuân Hùng
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 12/7,  tại  Bangkok, Thái Lan, diễn ra hội thảo quốc tế tăng cường quan hệ Việt Nam - Thái Lan vì thịnh vượng chung, Phát triển bền vững và An ninh khu vực. 

(VOV5) - Ngày 12/7,  tại  Bangkok, Thái Lan, diễn ra hội thảo quốc tế tăng cường quan hệ Việt Nam - Thái Lan vì thịnh vượng chung, Phát triển bền vững và An ninh khu vực. 


Hội thảo được Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, Đại học Chụ-la-lon-con và Viện nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Thái Lan. Tham gia hội thảo có các nhà nghiên cứu hàng đầu, các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông và báo chí của Việt Nam, Thái Lan và nhiều nước trên thế giới. Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành cho biết Thái Lan là một trong các quốc gia ASEAN cuối cùng thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, nhưng lại là nước đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Đại sứ Nguyễn Tất Thành tin tưởng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự nêu ra và thảo luận những quan điểm về hợp tác Tiểu vùng sông Mekong (CLMVT), lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA), biến đổi khí hậu và vấn đề các đập thủy điện ở thượng nguồn ảnh hưởng đến vùng châu thổ sông Mekong, triển vọng Hành lang kinh tế Đông - Tây trong tương quan với Hành lang kinh tế phía Nam.


 Các đại biểu tham dự của Việt Nam và Thái Lan đều cho rằng quan hệ hai nước đã có lịch sử lâu đời trải rộng trên tất cả các mặt. Hai nước đã trở thành những người bạn tốt trong cộng đồng ASEAN.  Về vấn đề hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn cầu, các đại biểu cho rằng hai nước nên tiếp tục phối hợp cùng các nước khác trong khu vực gìn giữ hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, giải quyết các khác biệt và tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế được các nước công nhận, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đồng thời tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) về Biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu