Việt Nam đặt mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô

Chia sẻ
(VOV5) - Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài.
(VOV5) - Hôm nay, 1/11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành Nghị quyết số 05 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghị quyết nêu rõ: Đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường.

Việt Nam đặt mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô - ảnh 1
Ảnh:tuyengiao.vn


Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài. Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại đầu tư công; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công.

Nghị quyết đặt mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Giai đoạn 2016 - 2020, hằng năm có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Theo đó tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.

Nghị quyết nhấn mạnh: Việt Nam tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược là Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về cổ phần hoá, định giá doanh nghiệp nhà nước…; Phát triển thị trường tài chính; Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế; Khuyến khích và tạo thuận lợi, hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, phát triển doanh nghiệp. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, tăng cường kết nối và phát huy tác động lan toả với các khu vực kinh tế trong nước… Tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước.

Nghị quyết ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm. Phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Đồng thời đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu