Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật về Hội

Chia sẻ
(VOV5)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính,  tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội.
(VOV5)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cần phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính,  tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội.

Hôm nay, cho ý kiến Dự án Luật về hội trong phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu cho rằng: việc xây dựng dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của 52 nghìn hội đang hoạt động, đồng thời cần phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc Luật này không điều chỉnh với 6 tổ chức chính trị xã hội bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dự thảo Luật không điều chỉnh loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân là vấn đề cần được cân nhắc. Vì trên thực tế, số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng không phải là hội theo quy định của dự thảo Luật thì việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ rất khó khăn. Do đó, để bảo đảm quyền lập hội của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật về Hội  - ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội: "Theo tôi công chức cán bộ tham gia trong hệ thống chính trị nếu làm cộng tác viên thì hoan nghênh, nhưng thành viên là không được"

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng:“Bây giờ phải Luật hóa. Những tổ chức hội mà không nói đến thì tự nhiên sau khi có Luật này thì người ta đi đâu hay giải tán. Cho nên phạm vi điều chỉnh cần phải suy nghĩ. Chỗ này là chỗ quan trọng nhất. Ra luật này phải trả lời được câu hỏi, công dân Việt Nam có quyền tự do lập hội. Khi lập hội thì những điều hạn chế phải được hạn chế bằng luật, thì Luật này quy định như thế này. Đã là công dân thì có quyền tự do lập hội nhưng công dân cũng tự do tham gia vào các hội. Và mọi người có quyền tham gia vào hội không, có người trong nước và người ngoài nước thì Luật cũng phải quy định.”

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cần phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội.


Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo quy định rõ hội nào được thành lập do yêu cầu của Đảng, Nhà nước thì được Nhà nước tài trợ kinh phí. Những hội khác nếu được Nhà nước giao nhiệm vụ thì Nhà nước thanh toán kinh phí.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu