Ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Vũ Khuyên
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh sau 1 thập kỷ triển khai, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một điểm sáng và là một trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo.

Ngân hàng Chính sách xã hội cần tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2014-2024) thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tín dụng chính sách xã hội, được tổ chức chiều nay (14/08) theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trực tiếp tại Hà Nội.

Ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn  - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VOV

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh sau 1 thập kỷ triển khai, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một điểm sáng và là một trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội.

Thủ tướng khẳng định: "Mô hình tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam thành công và được thế giới đánh giá cao. Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân hàng Thế giới đánh giá là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính vi mô lớn nhất Việt Nam và là một trong những ngân hàng cung cấp tài chính vi mô lớn nhất Châu Á, là một trong số ít các mô hình thành công và bền vững trên thế giới. Hành trình phát triển của Ngân hàng Chính sách xã hội mang lại những kinh nghiệm và bài học quý cho Chính phủ các nước đang phát triển khác”.

Thời gian tới, Thủ tướng yêu Ngân hàng CSXH tiếp tục xác định tín dụng chính sách xã hội là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chính sách lớn của đất nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng CSXH tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), trong 10 năm qua, Ngân hàng CSXH đã huy động tăng thêm hơn 238.000 tỷ đồng (9,5 tỷ USD), tăng gấp 2,8 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn tín dụng chính sách xã hội đến nay đạt hơn 373.000 tỷ đồng (gần 15 tỷ USD). Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước, giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn này góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, từ mức 14,2% năm 2011 xuống 2,93% vào cuối năm ngoái, theo chuẩn nghèo đa chiều của Liên hiệp quốc.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu