Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc

Chia sẻ
(VOV5) - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc, hôm nay, 21/6, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. 

(VOV5) - Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kết thúc, hôm nay, 21/6, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc. 

Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc - ảnh 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. (Ảnh: TTXVN)

Tuyên bố chung nêu rõ: Trong thời gian thăm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 19-21/6/2013 theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình; hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường, Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang. Lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Tuyên bố chung nhấn mạnh: Hai bên đã nhìn lại quá trình phát triển quan hệ Việt - Trung, nhất trí cho rằng tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản chung quý báu của nhân dân hai nước, khẳng định sẽ tuân theo các nhận thức chung quan trọng mà Lãnh đạo hai nước đã đạt được trong những năm qua về phát triển quan hệ hữu nghị Việt – Trung. Hai bên nhất trí coi sự phát triển của nước kia là cơ hội phát triển của nước mình, làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện với trọng tâm trên các lĩnh vực: Duy trì tiếp xúc cấp cao; Tiếp tục sử dụng tốt cơ chế họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương; Hai bên nhất trí cùng nhau thực hiện tốt “Chương trình hành động triển khai Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” được ký kết trong chuyến thăm này, thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước đạt được tiến triển mới; Hai bên khẳng định làm sâu sắc thêm hợp tác giữa hai Đảng ; Tăng cường hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước ; Duy trì tiếp xúc cấp cao giữa quân đội hai nước; Thực hiện tốt “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước Việt Nam - Trung Quốc” (sửa đổi) ký kết trong chuyến thăm này, tiếp tục triển khai tuần tra chung biên giới trên đất liền; Thúc đẩy triển khai giao lưu hợp tác giữa cơ quan cảnh sát biển hai nước, sớm khởi động đàm phán về “Hiệp định dẫn độ Việt - Trung” trong nửa cuối năm nay.

Về lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tăng cường điều phối chiến lược về phát triển kinh tế, thực hiện tốt “Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012 - 2016” và Danh mục các dự án hợp tác trọng điểm, thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong tất cả các lĩnh vực, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, du lịch…

Đối với vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên nhất trí thực hiện nghiêm túc Kế hoạch công tác năm 2013 của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền hai nước; Sớm khởi động việc xây dựng cầu Bắc Luân II Việt - Trung. Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán mới “Hiệp định về quy chế tàu thuyền đi lại tự do tại khu vực cửa sông Bắc Luân” (giữa tỉnh Quảng Ninh với huyện
Đông Hưng, thuộc thị xã Phòng Thành, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và  “Hiệp định về hợp tác và khai thác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc” (giữa tỉnh Cao Bằng và thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) vào nửa cuối năm nay. Hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện tốt “Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ”; thực hiện tốt “Thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về việc thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển” được ký kết trong chuyến thăm lần này, xử lý thỏa đáng các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa hai nước phù hợp với quan hệ hai nước.

Hai bên cũng trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt các cơ chế như đàm phán biên giới lãnh thổ cấp Chính phủ, kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc vấn đề hợp tác cùng phát triển. Hai bên nhất trí dựa trên nguyên tắc dễ trước khó sau, tuần tự tiệm tiến, gia tăng cường độ đàm phán của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Hai bên hoan nghênh Thỏa thuận sửa đổi liên quan tới Thỏa thuận thăm dò chung trong khu vực thỏa thuận ngoài khơi trong Vịnh Bắc Bộ được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước, nhất trí mở rộng diện tích khu vực thỏa thuận, kéo dài thời hạn thỏa thuận, cùng nhau thúc đẩy hoạt động thăm dò chung đối với cấu tạo dầu khí vắt ngang đường phân định trong Vịnh Bắc Bộ sớm đạt được tiến triển tích cực.

Hai bên nhất trí gia tăng mật độ đàm phán của Nhóm công tác chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển Việt – Trung; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống thiên tai và kết nối giao thông trên biển. Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt - Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông. Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện, có hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 10 văn kiện hợp tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên hài lòng trước những kết quả đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhất trí cho rằng chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu