Chiều nay (3/12), tại Hà Nội, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương, đã đến thăm và làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Văn Hiếu/VOV |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh Bảo tàng là địa chỉ đỏ để học tập, nghiên cứu gắn liền với quá trình giữ nước vô cùng anh hùng của cha ông, nhất là những chỉ đạo sáng suốt tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển của đất nước: "Phải nhấn mạnh thêm vai trò của nhân dân trong các đường lối vì quân đội chúng ta là quân đội nhân dân, rồi chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân, từ xưa đến nay tất cả những chiến thắng của cha ông nhờ sức mạnh từ nhân dân. Vấn đề nữa là nhấn mạnh thêm trách nhiệm quốc tế của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng ta mới nói những vấn đề hợp tác quốc tế, công tác đối ngoại của quân đội, Chiến lược của chúng ta là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa giải quyết tất cả những hậu họa nguy cơ từ trước bằng mưu trí, sự sáng tạo, không được để bị động bất ngờ."
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Văn Hiếu/VOV |
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong những bảo tàng quân sự lớn và lâu đời nhất tại Việt Nam, với vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử quân sự của dân tộc. Với hàng vạn hình ảnh, hiện vật, kết hợp với nhiều giải pháp trưng bày hiện đại, khách tham quan được trải nghiệm sống động về lịch sử quân sự và truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Trước đó, lưu bút sổ Vàng lưu niệm tại đây, Tổng Bí thư viết: “Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một biên niên sự kiện bằng tài liệu, hình ảnh, hiện vật xuyên suốt chiều dài lịch sử ra đời, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Thật xúc động, vinh dự, tự hào vì được sống lại với khung cảnh rừng Trần Hưng Đạo năm xưa; gặp lại những đoàn dân công thồ gạo trên khắp nẻo đường Tây Bắc, những tấm áo trấn thủ của người lính Điện Biên, những Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam; những khẩu đại bác cheo leo sườn núi để cùng toàn dân, toàn quân trút đạn vào đầu thù, làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; gặp lại trùng trùng điệp điệp những đoàn quân "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thấy non sông Việt Nam liền một dải, thấy trời cao, biển rộng; thấy sự trưởng thành, lớn mạnh, hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam; thấy sự tin tưởng, tự hào của Đảng, Chính phủ và Nhân dân đối với "Bộ đội cụ Hồ" và thấy "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" trên mọi nẻo đường đất nước. Tôi tin tưởng rằng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là "địa chỉ đỏ", là không gian văn hóa đặc biệt để nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè khắp năm châu đến thăm quan, tìm hiểu, học tập về truyền thống của đội quân "Bách chiến, bách thắng" của dân tộc Việt Nam anh hùng”.