Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nội lực và niềm tin là động lực đưa đất nước vượt qua khó khăn

Chia sẻ
(VOV5) - Trả lời phỏng vấn của TTXVN, Tổng Bí thư chia sẻ về những kết quả đã đạt được và những công việc cần tập trung làm tốt trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ Đại hội khóa XI. 

(VOV5) - Nhân dịp Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Tổng Bí thư chia sẻ về những kết quả đã đạt được và những công việc cần tập trung làm tốt trong chặng đường còn lại của nhiệm kỳ Đại hội khóa XI. Sau đây là những nội dung chính.

Tổng bí thư  Nguyễn Phú Trọng: Nội lực và niềm tin là động lực đưa đất nước vượt qua khó khăn - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình hình thế giới bên cạnh mặt thuận lợi cũng có những diễn biến rất phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi, khủng hoảng tài chính - tiền tệ và suy thoái kinh tế toàn cầu... đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam. Song, Đảng và Nhà nước đã kịp thời điều chỉnh và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, biện pháp đưa kinh tế đất nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng. Nổi bật nhất là đã kiềm chế được lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống còn hơn 6% năm 2013, thấp nhất trong 10 năm qua . Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức bình quân 5,6%/năm. Các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quốc phòng được tăng cường, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được bảo vệ.  Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội không ngừng được mở rộng và phát huy. Công tác đối ngoại được đẩy mạnh toàn diện và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.Cùng với việc nâng cấp, đưa quan hệ song phương với nhiều nước đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực hơn, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực và toàn cầu. Lần đầu tiên Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Ủy ban Di sản UNESCO, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)... chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Về công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một công việc lâu dài; rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó phòng phải là cơ bản, chống phải làm quyết liệt. Tham nhũng như ung nhọt nhức nhối, nhưng lãng phí cũng rất ghê gớm; lãng phí về của cải, tiền bạc, tài nguyên, thời gian, công sức... Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng ra đời chính là nhằm phòng, chống cho được tham nhũng, lãng phí, những hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm, hư hỏng, suy thoái biến chất trong cán bộ đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... 

Về công việc cần làm trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Ưu tiên hàng đầu vẫn là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hướng mạnh các nguồn lực cho khu vực sản xuất kinh doanh, tạo động lực và niềm tin cho người dân và doanh nghiệp, phục hồi nhịp độ tăng trưởng. Đồng thời vẫn phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (cả về thể chế, nhân lực và cơ sở hạ tầng) gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế bằng những bước đi, giải pháp cụ thể, phù hợp, để vừa hỗ trợ ngay cho phục hồi tăng trưởng, vừa bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trong các năm sau. Bên cạnh đó, cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề văn hóa, xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội..../.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu