Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Uganda đi vào chiều sâu và hiệu quả

Chia sẻ
(VOV5) - Sáng nay (24/11), sau lễ đón chính thức được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Uganda, Yoweri Kaguta Museveni, dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Uganda thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-25/11/2022. Sáng nay (24/11), sau lễ đón chính thức được tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni.

Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Uganda đi vào chiều sâu và hiệu quả  - ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni - Ảnh: TTXVN

Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Uganda tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh của mỗi bên, trong đó Việt Nam nhập khẩu bông và gỗ từ Uganda, Uganda nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải và linh kiện, thiết bị viễn thông... từ Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng Uganda sẽ đăng cai thành công Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết trong năm 2023 cũng như hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Không liên kết nhiệm kỳ 2023-2026.

Về phần mình, Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni chúc mừng Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025; tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của Liên hợp quốc.

Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Uganda còn rất to lớn, lãnh đạo hai nước thống nhất các định hướng cụ thể để thúc đẩy hợp tác song phương đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên nhất trí tiếp tục phát huy truyền thống phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết; là cầu nối cho nhau để thiết lập quan hệ với các tổ chức khu vực như Cộng đồng Đông Phi (EAC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp, coi đây là một trong những trụ cột của hợp tác song phương. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng như giáo dục-đào tạo, thông tin và truyền thông, quốc phòng-an ninh, y tế, công nghệ thông tin, du lịch, dầu khí, nghiên cứu và sản xuất vaccine. Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác, gồm: Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; 4 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, thông tin - truyền thông và kỹ thuật nông nghiệp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu