Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng pháp luật phải bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021, thảo luận về 6 đề nghị xây dựng các dự án luật.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp các ý kiến xác đáng, sát tình hình để xây dựng các luật, đáp ứng các yêu cầu rất phong phú mà thực tiễn đặt ra, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng pháp luật phải bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra - ảnh 1Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Trần Hải/ TTXVN

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) Thủ tướng yêu cầu: "Phải đảm bảo công bằng tiến bộ xã hội, đảm bảo mục tiêu là bảo hiểm y tế toàn dân, nhưng nghiên cứu phân tầng cho phù hợp với điều kiện đặc thù phát triển của đất nước hiện nay. Bảo hiểm y tế gắn với an sinh xã hội, gắn với thúc đẩy thị trường bảo hiểm cho tốt hơn và lành mạnh, cho công khai, minh bạch, để tháo gỡ được vướng mắc trong việc thực hiện các luật trước đây, để thể chế hóa được quan điểm mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về an sinh xã hội và Nghị quyết 20 khóa XII. Đảm bảo được hoạt động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào việc khám, chữa bệnh cho người dân, hiện đại hóa quản lý cần phải tập trung vào đây, nhất là sử dụng chuyển đổi số việc tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng phải có phân cấp, phân quyền."

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng pháp luật phải bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra - ảnh 2Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Trần Hải/ TTXVN

Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ, bên cạnh các công việc thường xuyên, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu