Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19

Chia sẻ
(VOV5) - Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch.

Sáng 20/5, tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 theo hình thức trực tuyến. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19 - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu sắc, mạnh mẽ, khó lường đến cục diện thế giới, khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi tất cả các nước đoàn kết thống nhất hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng để vượt qua đại dịch.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ, cùng “Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19”, trong đó có: Phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng, tự lực tự cường; củng cố hợp tác quốc tế; lấy con người làm trung tâm; lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng; lấy khó khăn thách thức làm động lực vươn lên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam tham gia có trách nhiệm sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình và tình đoàn kết vì lợi ích chung sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia trong khu vực vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19 - ảnh 2Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Trên tình thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ không ngừng phát huy những kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên ba trụ cột chính là chiều sâu của bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử hào hùng dân tộc, giá trị con người và tài nguyên thiên nhiên: "Quan điểm của chúng tôi về phát triển là phát triển nhanh trên cơ sở khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bảo đảm hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phát triển một cách đầy đủ hiện đại là điều kiện tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh mọi thành phần kinh tế. Thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu sự phát triển, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và tích cực hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, phát huy nội lực về yếu tố quyết định gắn với ngoại lực là sức mạnh thời đại. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện có hiệu quả và thành viên có trách nhiệm với quốc tế".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng cùng bạn bè quốc tế mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, năng lượng công nghiệp chế tạo và phụ trợ, công nghiệp môi trường nông nghiệp, chất lượng cao, điện tử, công nghệ thông tin và Truyền thông, công nghệ sinh học, đô thị thông minh, logistics. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu