Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong khó khăn nhưng kinh tế xã hội vẫn cơ bản giữ ổn định

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và du khách đến Việt Nam.

Ngày 3/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và du khách đến Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh đã đề ra, kiên quyết không để lây lan trong cộng đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trong khó khăn nhưng kinh tế xã hội vẫn cơ bản giữ ổn định - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2020. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Dịch bệnh COVID-19 gây tác động nặng nề đến ngành Hàng không, Du lịch, dịch vụ, đặc biệt là chuỗi giá trị, sự đứt gãy tuyến cung cấp nguyên liệu đầu vào, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội tháng vẫn 2 cơ bản giữ ổn định. CPI giảm, thu ngân sách tăng.

Các khoản chi phục vụ chống dịch được đảm bảo kịp thời. Nông nghiệp phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát. Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, đề xuất và thống nhất các giải pháp kỹ thuật về tài chính, ngân hàng và các biện pháp khác để nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về các dự án Luật như dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật Thỏa thuận quốc tế; Tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi và một số nội dung khác.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu