Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: quyết liệt giải ngân hết vốn đầu tư công

Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng cho biết 4 nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị quan trọng này.

Chiều nay, 27/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, bàn các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19 tổ chức ngày 31/3 tới.

Thủ tướng cho biết 4 nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại hội nghị quan trọng này. Một trong số đó là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh: “Đây là lĩnh vực đình đốn lớn nhất, gần như các tập đoàn, tổng công ty, cả tư nhân và nhà nước đều ngừng trệ. Có những doanh nghiệp chỉ có doanh thu từ 3-5% so với cùng kỳ quý 1 năm trước. Do đó, phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải tìm thấy một thị trường mới ở trong nước và những thị trường mới, lớn ở nước ngoài trong bối cảnh nhiều hiệp định như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Đặc biệt thị trường nội địa 100 triệu dân Việt Nam phải như thế nào?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: quyết liệt giải ngân hết vốn đầu tư công  - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế. Ảnh: vov.vn

Đối với lượng vốn đầu tư công lên đến trên 30 tỷ USD, gồm cả vốn ngân sách và vốn vay, Thủ tướng nêu rõ hội nghị cần bàn giải pháp để giải ngân hết số vốn này: “Làm sao phải giải ngân hết số vốn này, coi đó là phần quan trọng để giải quyết việc làm, góp phần trăng trưởng, tiêu dùng các sản phẩm trong nước. Lần này phải có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm việc giải ngân cho được vốn đầu tư công. Quyết liệt, cụ thể, chế tài mạnh là gì chứ không phải như các hội nghị lần trước có đưa ra biện pháp nhưng thực thi còn yếu

Hội nghị cũng sẽ bàn về vấn đề an sinh xã hội, đời sống việc làm của người dân nói chung và đời sống của các đối tượng chính sách, nhất là trong bối cảnh có tình trạng nghỉ việc, nghỉ không lương đang diễn ra trên toàn cầu và ở VN. Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng và phát triển là nâng cao đời sống của nhân dân, nên cần phải tính toán các biện pháp, gói hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo cho được mức lương tối thiểu cho công nhân lao động, đảm bảo cuộc sống an toàn cho nhân dân.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu