Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Bangladesh

Thành Chung
Chia sẻ
(VOV5) -  Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 800 triệu USD năm 2014 lên mức 1 tỷ USD vào năm 2016.

(VOV5) -  Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 800 triệu USD năm 2014 lên mức 1 tỷ USD vào năm 2016.

Như tin đã đưa chiều 10/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Bangladesh Abdul Hamid đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Bangladesh - ảnh 1
Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác tốt đẹp với Bangladesh đồng thời sẽ nỗ lực hết mình cùng với Chính phủ Bangladesh triển khai thực hiện hiệu quả những thỏa thuận mà hai bên đạt được trong chuyến thăm này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Abdul Hamid cùng trao đổi những định hướng lớn và các biện pháp cụ thể để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác song phương trong thời gian tới, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch. Hai bên nhất trí phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai chiều từ mức 800 triệu USD năm 2014 lên mức 1 tỷ USD vào năm 2016. Hai bên cũng nhất trí triển khai thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ về hợp tác về nông nghiệp, ngư nghiệp và chăn nuôi; bản ghi nhớ về thương mại gạo; sớm ký kết Thỏa thuận về hợp tác du lịch và Chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước; tạo thuận lợi cho các hoạt động du lịch và giao thương giữa người dân và doanh nghiệp hai nước.

Tổng thống Abdul Hamid chia sẻ quan ngại sâu sắc với Việt Nam và ASEAN trước những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Tổng thống Abdul Hamid khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông cũng như giải quyết các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; nhấn mạnh sự cần thiết của việc các bên liên quan thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tiến tới xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).                                        

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu