Thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung Điều 3 quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức "cho ý kiến bằng văn bản".

(VOV5) - Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung Điều 3 quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức "cho ý kiến bằng văn bản".

Thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 43, sáng nay (11/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc đàm phán, trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Theo Tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, việc xây dựng Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phù hợp, thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Quốc hội 2014, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy định về cơ chế làm việc, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung Điều 3 quy định cụ thể về các hình thức làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó có hình thức "cho ý kiến bằng văn bản". Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về quy trình, thủ tục trong việc xem xét các vấn đề về nhân sự và tổ chức bộ máy nhà nước theo thẩm quyền; quy trình, thủ tục hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật...

Với 100% đại biểu tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đàm phán và trao đổi công hàm Thỏa thuận về việc cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày phía Việt Nam nhận được công hàm xác nhận đồng ý của phía Hoa Kỳ.

Chiều nay, trước khi họp phiên bế mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13; cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Ban Thư ký và Văn phòng Quốc hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu