Thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Hội Luật quốc tế Việt Nam có thể có những đóng góp có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

(VOV5) - Hội Luật quốc tế Việt Nam có thể có những đóng góp có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.


Sáng 17/9, tại Hà Nội, Ban Vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2016-2019. 


Thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam - ảnh 1
Trao quyết định thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.


Tại Đại hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ  công bố và trao Quyết định về việc cho phép thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam cho Ban Vận động thành lập Hội. Đại hội đã thảo luận Điều lệ Hội; bầu Ban Chấp hành và Ban kiểm tra của Hội; thông qua phương hướng hoạt động của Hội. Theo đó, Ban Chấp hành Hội Luật quốc tế Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2019 gồm 21 người và Ban kiểm tra gồm 3 người. 


Theo đó, Hội Luật quốc tế Việt Nam là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt; tuân thủ quy định của pháp luật và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đến lĩnh vực Hội hoạt động. 


Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu sau khi chính thức đi vào hoạt động, với tư cách là một tổ chức xã hội-nghề nghiệp, hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu khác của đất nước. 


Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng trước những cơ hội và thách thức mới của đất nước; trước nhu cầu bắt nhịp với sự vận động, phát triển mới của khoa học và thực tiễn pháp lý quốc tế, Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ không chỉ có vai trò quan trọng đối với các Hội viên của Hội, mà còn có thể có những đóng góp có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu