Tham vấn Chính trị Việt Nam - Đan Mạch lần thứ 2

Chia sẻ
(VOV5) - Hai bên nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, như: tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, năng lượng tái tạo… 

Tham vấn chính trị lần thứ 2 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đan Mạch nhằm trao đổi về hợp tác song phương, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm đã diễn ra  hôm qua (26/02), tại Hà Nội. Sự kiện do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Ngoại giao Đan Mạch Lina Gandlose Hansen đồng chủ trì .

Thời gian tới, hai Bộ Ngoại giao nhất trí thúc đẩy duy trì trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp triển khai hiệu quả kế hoạch hành động trong các khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và Đối tác chiến lược Xanh; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ quan, tổ chức của Liên hợp quốc; tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Đan Mạch và tại các diễn đàn liên nghị viện, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong lĩnh vực thương mại – đầu tư, hai bên nhất trí thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực, như: tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển, năng lượng tái tạo… 

Tham vấn Chính trị Việt Nam - Đan Mạch lần thứ 2 - ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Quốc Vụ khanh Ngoại giao Đan Mạch Lina Gandlose Hansen đồng chủ trì Tham vấn chính trị lần thứ 2 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đan Mạch. Nguồn: Báo Quốc tế

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị Đan Mạch có thúc đẩy Quốc hội các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời hỗ trợ Việt Nam phát triển nuôi trồng thủy hải sản hướng tới nghề cá bền vững. Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả với Đan Mạch trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); đề nghị Đan Mạch triển khai các dự án cụ thể nhằm hỗ trợ các vùng dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, hai bên đề xuất các hoạt động hợp tác mới giữa hai nước trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, giao thông – vận tải, giao lưu nhân dân…

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như: những điểm nóng xung đột ở khu vực Gaza, Biển Đỏ, giữa Ukraine và Nga. Liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh ủng hộ lập trường và vai trò trung tâm của ASEAN về đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu