Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày làm việc thứ 2, các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. 

Sáng 28/10, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp - ảnh 1Phiên họp sáng ngày 28/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Ảnh: quochoi.vn

Nhiều ý kiến đánh giá cao việc nhấn mạnh kinh tế Việt Nam đã phục hồi sớm hơn dự báo do kiểm soát được dịch COVID-19. Kết quả kinh tế-xã hội đạt được khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý nông nghiệp là một trong những điểm sáng của nền kinh tế, thể hiện rõ vai trò là trục đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực; nông sản Việt đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn đạt giá trị hơn 48 tỷ USD.

Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp - ảnh 2Đại biểu Lê Thị Thanh Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang. Ảnh: quochoi.vn

Bà Lê Thị Thanh Lam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, nêu ý kiến: "Chính phủ nên có chính sách đầu tư đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp, có chính sách đầu tư kịp thời để tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Chính phủ cũng quan tâm quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch của tỉnh, quy hoạch của vùng. Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị".

Tập trung nguồn lực phát triển sản xuất nông nghiệp - ảnh 3Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bà Đỗ Thị Lan, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: "Để doanh nghiệp khắc phục khó khăn và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cũng như phát triển kinh tế-xã hôi, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Có thể có chính sách giãn giảm thuế cho doanh nghiệp đến năm 2023 để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển".

Các đại biểu Quốc hội thảo luận các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; kiềm chế lạm phát; đẩy nhanh tiến độ các chương trình quốc gia, giải pháp cho thị trường xăng dầu; chính sách, chế độ cho y tế, giáo dục. Các đại biểu cũng thảo luận những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm như: kịp thời giải quyết việc thiếu thuốc, thiết bị y tế, phòng chống hàng giả, phòng chống tham nhũng… 

Cũng trong sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời, giải đáp các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu