Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều nay (31/10), tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Các đại biểu Quốc hội kiến nghị tiếp tục quan tâm, có chính sách chú trọng nâng cao năng lực của y tế tuyến cơ sở, đầu tư nguồn lực, bố trí việc làm với chế độ, chính sách tương xứng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; cải tiến cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu khám, chữa bệnh cũng như điều chỉnh việc quy định cho phép thông tuyến khám bệnh bảo hiểm y tế như hiện nay. Đồng thời, tăng cường vai trò của y tế tuyến cơ sở để góp phần chia sẻ áp lực với các cơ sở y tế tuyến trên và tuyến chuyên môn kỹ thuật cao.
Bà Châu Quỳnh Dao, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, góp ý: "Nhiều điều khoản của dự thảo Luật đã được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân, như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ. Ví dụ như đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các xã có vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn mà nay những xã này không còn nằm trong diện khó khăn, đặc biệt khó khăn vẫn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Đây là chính sách nhân văn.
Phát huy tốt vai trò của y tế học đường, đồng nghĩa với việc chăm lo tốt, toàn diện sức khỏe cho học sinh. Học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế hiện nay đạt 97,8%. Tôi kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách Nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Bởi vì đây là một trong những tiền đề rất quan trọng tiến tới đạt được mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Tôi cũng xin bổ sung thêm nhóm các hộ thoát nghèo vào danh sách được ngân sách Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm y tế và mức hỗ trợ tối thiểu là 70%."
Sau khi các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.