Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để phục vụ tăng trưởng theo chiều sâu

Chia sẻ
(VOV5) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung, sửa đổi 104 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 Sáng 31/5, các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

Theo nhiều đại biểu, tài sản trí tuệ có giá trị lớn trong nền kinh tế tri thức, là nguồn lực cho phát triển sản xuất kinh doanh và là công cụ cạnh tranh hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ để phục vụ tăng trưởng theo chiều sâu - ảnh 1Quang cảnh phiên họp sáng 31/5.

Sau 17 năm từ khi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành (năm 2005), bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Việt Nam không còn thuần túy là nước sử dụng tài sản trí tuệ mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu.

Tại phiên thảo luận, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, cho biết:    "Dự thảo luật liên quan đến rất nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các điều về quyền tác giả, quyền liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng, kể cả 1 số Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam mới tham gia như CPTPP, EVFTA. Cho nên việc nội luật hóa cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tận dụng cơ hội mà các Hiệp định đem lại, đồng thời thúc đẩy khoa học công nghệ là rất khó. Việc sửa đổi Luật cũng nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật, nhất là pháp luật về sở hữu trí tuệ, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp hoạt động này ngày càng tiếp cận thông lệ tốt của thế giới."          

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ bổ sung, sửa đổi 104 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Các nội dung chính của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều khoản liên quan quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; nhóm vấn đề liên quan đến nhóm quyền tác giả, quyền liên quan; quyền sở hữu công nghiệp; quyền với giống cây trồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu