Quốc tế đánh giá cao Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Đại hội đồng WIPO 2018-2019

Chia sẻ
(VOV5) - WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. 

Đó là khẳng định của Đại sứ Dương Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chủ trì phiên họp thường niên từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2019 khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trước thềm phiên họp lần thứ 59 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của WIPO.

Quốc tế đánh giá cao Việt Nam trên cương vị Chủ tịch Đại hội đồng WIPO 2018-2019 - ảnh 1

Đại sứ Dương Chí Dũng, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) - Ảnh: baoquocte.vn

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, nêu rõ việc Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại Hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giai đoạn 2018 - 2019 là một trong những bước hiệu quả triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.

Theo Đại sứ Dương Chí Dũng, qua việc tham gia các vị trí chủ chốt tại các diễn đàn đa phương như WIPO, Việt Nam sẽ từng bước tham gia vào quá trình xây dựng, định hình, dẫn dắt các thể chế đa phương ở khu vực, liên khu vực và toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức này phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

WIPO là đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của Việt Nam trong hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ. Vai trò là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO đã giúp thúc đẩy WIPO hỗ trợ nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này như dự án hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các nghĩa vụ thành viên của WIPO, cải tiến việc cung cấp các số liệu thống kê để xây dựng báo cáo quốc gia về đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng các biện pháp chính sách để tăng cường công tác đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Đặc biệt, WIPO đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược Quốc gia về sở hữu trí tuệ từ năm 2017 và đến ngày 22/8/2019 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định Phê duyệt Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Đại sứ Dương Chí Dũng cho biết các nước đánh giá cao vai trò điều phối và sự chủ động, tích cực của Việt Nam; mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp cho thành công của Đại hội đồng WIPO năm 2019. Đối với các hoạt động của tổ chức, hằng năm Việt Nam đều cử đại diện tham dự các phiên họp thường trực của các cơ quan điều hành của WIPO như ĐHĐ WIPO, Ủy ban Điều phối WIPO (CoCo), hay các ủy ban thường trực như Ủy ban Chương trình và ngân sách (PBC), Ủy ban Phát triển và sở hữu trí tuệ (CDIP)...

Tính đến nay, Việt Nam đang là thành viên của 10 điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ do WIPO quản lý và đang tiến hành thủ tục để tham gia Thỏa ước La Haye về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, đồng thời theo dõi, tham gia các phiên thảo luận một số văn kiện quốc tế mới về sở hữu trí tuệ như Hiệp ước Luật kiểu dáng công nghiệp, Văn kiện quốc tế về nguồn gien, tri thức truyền thống, văn hóa dân gian.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu