Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức

Vĩnh Phong
Chia sẻ
(VOV5) - Các nội dung liên quan đến thời giờ làm việc bình thường, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu...  cũng được các đại biểu quan tâm

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. 

Buổi chiều, Quốc hội nghe Tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức - ảnh 1Toàn cảnh Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV -Ảnh VP

Trước đó, Quốc hội đã dành cả ngày 23/10 để các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cho rằng, số ngày nghỉ lễ của đất nước còn ít, nhiều đại biểu đề xuất nghỉ thêm từ 1 đến 3 ngày trong năm. Có ý kiến cho rằng có thể thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9 và dịp Tết dương lịch.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Vĩnh Phúc, cho rằng: "Ngày nghỉ thêm thứ nhất là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, tức là ngày 5/9 và ngày thứ 2 là ngày gia đình Việt Nam 28/6. Ngày 5/9 là ngày rất có ý nghĩa đối với trẻ em. Nhiều cháu rất thiệt thòi và rất buồn và bố mẹ cũng rất tủi thân vì phải đi làm. Nếu phải chọn 1 trong 2 ngày, thì tôi sẽ chọn ngày toàn dân đưa trẻ đến trường."

Các nội dung liên quan đến thời giờ làm việc bình thường, mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu...  cũng được các đại biểu quan tâm, phân tích. Thảo luận về chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, các đại biểu nhận định việc tăng tuổi ghỉ hưu là hợp lý trong bối cảnh tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam ngày càng cao. Việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhằm giữ được nguồn nhân lực có trình độ, kinh nghiệm, còn đủ sức khỏe cống hiến cho xã hội.

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết việc sửa đổi Bộ luật Lao động cần được cân nhắc, vừa phải đáp ứng quyền lợi hợp pháp của người lao động, đáp ứng yêu cầu dân chủ cơ sở, nhưng vẫn phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh, an toàn xã hội.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu