Ngày 13/6, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Thảo luận tại hội truờng sáng nay, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định của dự thảo Luật được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Quang cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14. Ảnh QH.VN |
Đại biểu Bế Minh Đức, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, nêu ý kiến: "Tôi cơ bản nhất trí với sửa đổi của Luật phòng, chống tham nhũng lần này và báo cáo thẩm tra của Ủy Ban Tư pháp. Việc ban hành Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi rất quan trọng, đây là công cụ pháp lý, là chỗ dựa cho cơ quan bảo vệ pháp luật, cho toàn dân trong công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả. Tôi nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo ra khu vực ngoài Nhà nước, phù hợp với xu thế quốc tế và yêu cầu về phòng chống tham nhũng đặt ra trong tình hình hiện nay.
Nhiều ý kiến của đại biểu cho rằng Luật phòng, chống tham nhũng là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Đỗ Văn Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng, cho rằng: Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) phải khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống tham nhùng khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...
"Về Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập: Việc kê khai tài sản thu nhập và kiểm soát những biến động về thu nhập để kịp thời xác minh và xử lý thu nhập không có nguồn gốc minh bạch của người kê khai có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng. Và Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát thu nhập có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ trên. Yêu cầu về những cán bộ thực hiện nhiệm vụ này khong chỉ có tinh thần trách nhiệm mà phải có chuyên môn, nghiệp vụ mới đạt kết quả tốt. Việc giao cho hệ thống thanh tra là cơ quan có thẩm quyền kiểm sát tài sản theo phương án của dự án luật sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong việc quản lý xác minh tài sản thu nhập, xây dựng cơ sở dữ liệu chung, phục vụ tốt hơn cho công tác theo dõi biến động tài sản." Ông Đỗ Văn Bình cho biết,
Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2017) Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Do có nhiều ý kiến về những nội dung lớn của dựán Luật và nhiều đại biểu cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, cử tri đặc biệt quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, nên đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại ba kỳ họp.