Quốc hội thảo luận Dự án Luật về phòng cháy và chữa cháy

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, sáng 21/5 các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Quốc hội cũng nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, đa số đại biểu tán thành và cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết trong điều kiện hội nhập hiện nay.

(VOV5) - Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, sáng 21/5 các đại biểu Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy và Báo cáo thẩm tra dự án Luật này. Quốc hội cũng nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống khủng bố. Thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố, đa số đại biểu tán thành và cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết trong điều kiện hội nhập hiện nay. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng khái niệm khủng bố quy định trong Luật cần bao quát hơn để làm rõ tính toàn diện của hành động này đồng thời cân nhắc thành phần của Ban chỉ đạo phòng chống khủng bố. Đề cập vấn đề hợp tác quốc tế phòng chống khủng bố, đại biểu Quốc hội đoàn Cần Thơ Nguyễn Minh Kha nêu ý kiến: Hợp tác quốc tế về phòng chống khủng bố là cần thiết, hợp tác để chia sẻ thông tin, huấn luyện đào tạo và tổ chức diễn tập, nhất là trong việc trang bị thiết bị kỹ thuật cho lực lượng phòng chống khủng bố. Lĩnh vực này ta chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đây là lĩnh vực nhạy cảm phải đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Quốc hội thảo luận Dự án Luật về phòng cháy và chữa cháy - ảnh 1


Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.  Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng chủ yếu tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm bảo hiểm về con người, bảo hiểm nông nghiệp; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản…

Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tập trung bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi. Ngoài ra, để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020, Dự thảo luật quy định từ ngày 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%. Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%. Nhận xét về nội dung này, đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hoà nêu ý kiến: Thuế suất là dòng chảy để hướng luồng đầu tư. Ví dụ nếu bây giờ quy định mức thuế suất cao hơn mặt bằng chung của các nước xung quanh thì họ không đầu tư vào Việt Nam mà sẽ hướng sang các quốc gia khác. Qua khảo sát cho thấy mức thuế suất theo lộ trình tiến tới 20% là mức thuế suất trong tương quan chung mà các nước trong khu vực đang áp dụng. Việc giảm thuế này là hợp lý vì trước hết chúng ta phải cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút đầu tư. Thứ 2 trong điều kiện khó khăn như hiện nay cần có lộ trình khoan sức cho doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tôi tin rằng với việc giảm thuế, doanh nghiệp sẽ càng mở rộng sản xuất kinh doanh vì số tiền mà doanh nghiệp được hưởng lợi khi thuế suất giảm sẽ tiếp tục được quay vòng sản xuất và quy mô sản xuất chắc chắn sẽ mở rộng.

Ngày 22/5, theo chương trình dự kiến, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu