Quốc hội thảo luận dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi)

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là hai nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 5/11 ở Hà Nội.
(VOV5)- Dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là hai nội dung được các đại biểu Quốc hội thảo luận chiều 5/11 ở Hà Nội.

Quốc hội thảo luận dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) - ảnh 1
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Các đại biểu Quốc hội khẳng định đây là dự án Luật có ý nghĩa quan trọng cả về đối nội và đối ngoại, phục vụ tích cực, kịp thời cho yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Một số đại biểu Quốc hội góp ý cần phải công khai các điều ước quốc tế đã có hiệu lực cho người dân biết; đồng thời, Chính phủ phải thành lập một cơ quan đầu mối chuyên trách vấn đề này. Các đại biểu Quốc hội lưu ý việc phê chuẩn các điều ước quốc tế phải phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, bảo đảm lợi ích quốc gia. Ông Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, góp ý: “Các điều ước quốc tế có hai quy phạm. Đó là quy phạm bắt buộc và quy phạm tùy nghi. Chỉ những quy phạm bắt buộc thì phải thực hiện nếu tham gia. Quy phạm tùy nghi là khuyến cáo các quốc gia tham gia công ước có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Khi những điều ước quốc tế không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, tức là nguyên tắc Hiến định thì phải rất thận trọng. Cần hết sức cân nhắc việc bảo lưu. Việc bảo lưu là để không phương hại đến những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam.”

Đối với việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình việc Quốc hội sớm phê chuẩn Nghị định thư này. Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi này phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế nói chung và trong WTO nói riêng.

Trước đó, sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật khí tượng thủy văn. Dự án Luật Khí tượng thủy văn do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo nhằm đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị trong dự thảo Luật phải đưa ra quy chuẩn, tiêu chuẩn để dự báo khí tượng thủy văn chính xác, đồng thời cũng phải có chế tài mạnh, quy trách nhiệm đối với những dự báo khí tượng thủy văn không chính xác. Một số đại biểu Quốc hội yêu cầu trong dự thảo Luật tiếp tục chú trọng chế độ đãi ngộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đặc biệt ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Về việc truyền phát tin khí tượng thủy văn, cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo khí tượng thủy văn chỉ nên xây dựng chương trình, dự báo, sau đó giao cho các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin sẽ hiệu quả, thuận lợi hơn.

Cũng trong sáng 5/11, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu