Quốc hội thảo luận các dự án Luật, Bộ luật quan trọng

Chia sẻ
(VOV5)- Việc Quốc hội lần đầu tiên lấy ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là dấu mốc quan trọng, là bước tiến của luật pháp Việt Nam.
(VOV5)- Việc Quốc hội lần đầu tiên lấy ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là dấu mốc quan trọng, là bước tiến của luật pháp Việt Nam.


Tiếp tục chương trình nghị sự của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật trưng cầu ý dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam. Các đại biểu đồng tình cho rằng việc Quốc hội lần đầu tiên lấy ý kiến về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là dấu mốc quan trọng, là bước tiến của luật pháp Việt Nam, tạo điều kiện để mỗi người dân có thể tham gia dân chủ trực tiếp vào mọi vấn đề quan trọng của đất nước. Các đại biểu Quốc hội thống nhất trưng cầu ý dân phải được thực hiện trên toàn quốc chứ không phải là trưng cầu ý dân của một địa phương nào đó. Những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân phải là những vấn đề có ý nghĩa ở tầm quốc gia.

Các đại biểu đề nghị phải đưa vào dự thảo Luật Trưng cầu ý dân chế tài riêng xử phạt, xử lý hình sự mọi tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng quyền trưng cầu ý dân để vi phạm pháp luật. Về chủ thể có quyền trưng cầu ý dân, ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Chủ thể có quyền trưng cầu ý dân trước hết là Ủy ban thường vụ Quốc hội, thứ hai là Chủ tịch nước, Chính phủ và 1/3 số đại biểu Quốc hội. Thẩm quyền quyết định cuối cùng có trưng cầu ý dân hay là không trưng cầu ý dân theo quy định Hiến pháp là phải do Quốc hội quyết định.”


Đối với Bộ luật hàng hải Việt Nam, các đại biểu Quốc hội cho rằng phải sửa đổi Bộ Luật này theo hướng ưu tiên phát triển kinh tế biển, phù hợp với các điều ước quốc tế về biển mà Việt Nam là thành viên.

Quốc hội thảo luận các dự án Luật, Bộ luật quan trọng - ảnh 1
Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ

Trước đó, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các ý kiến thống nhất việc giới thiệu người ra ứng cử phải đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất ở Trung ương và nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương. Có ý kiến cho rằng trong dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thẩm định tư cách các ứng cử viên khi ra ứng cử.

Về cơ cấu người được giới thiệu ứng cử, bà Nguyễn Thị Phúc, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, góp ý: “Phải bảo đảm để ít nhất là 18% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số, ít nhất là 35% tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ. Quy định như thế tôi thấy đây là bước tiến mới so với Luật hiện hành là chỉ bảo đảm số lượng thích đáng, phù hợp với mục tiêu đã được xác định trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chỉ tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020.”


Sáng mai (4/6), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu