Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng Việt Nam đón hơn 1 triệu khách du lịch quốc tế |
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài việc quản lý nhà nước, trong luật cần thể hiện sự đột phá, phát huy về lợi thế và mũi nhọn. Tuy nhiên quy định về chính sách phát triển du lịch trong luật vẫn còn chung chung. Quy định về nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí chính sách khuyến khích cho các hoạt động phát triển du lịch nhưng không giao cơ quan chức năng nào của Chính phủ quy định chi tiết hoặc chịu trách nhiệm thi hành. Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, nêu ý kiến: "Để thực hiện Nghị quyết TW 8 về phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, và thực hiện muc tiêu đến năm 2020 doanh thu của du lịch đạt 35 tỷ USD, thì cần cụ thể hóa hơn trong luật về các chính sách ưu đãi. Có những chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư; quy hoạch và giải phóng mặt bằng; nên có chính sách quy hoạch vùng,liên vùng. Luật cũng nên giao cho UBND các cấp chịu trách nhiệm khai thác tối đa lợi thế của địa phương".
Góp ý về quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, các đại biểu tán thành việc thành lập quỹ trong bối cảnh hiện nay để hỗ trợ phát triển du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên để quỹ này có hiệu quả cần bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý và điều hành quỹ cũng như các nguồn thu từ du lịch. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường đầu tư cho du lịch từ khâu xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch và công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Sáng 29/05, các đại biểu Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật tố cáo về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo; khen thưởng và xử lý hành vi vi phạm.
Cũng trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Theo Báo cáo, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý tài sản Nhà nước và đề nghị đổi tên thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, đề nghị: “Đặc biệt với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cần quy định rõ khi sử dụng các tài sản này vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết phải khống chế thời gian cho thuê và hợp tác, tùy vào từng vị trí của tài sản mà quy định phải lấy ý kiến của các cơ quan tổ chức liên quan. Đặc biệt là các tài sản gần khu cơ quan hành chính thì việc cho thuê, liên doanh, liên kết không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính liên quan”.