Sáng 27/03 (giờ địa phương), tại trụ sở Hạ viện Hà Lan ở thành phố The Hague, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Hà Lan. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib chủ trì lễ đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân .- Ảnh Lê Tuyết VOV |
Tại cuộc hội đàm, lãnh đạo 2 bên đánh giá quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương trong 45 năm qua đang phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hướng tới nâng cấp quan hệ từ đối tác chiến lược ngành hiện nay lên đối tác chiến lược toàn diện. Do đó, chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với Hà Lan nói chung, giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan nói riêng, mở ra những triển vọng hợp tác mới trong quan hệ song phương, cũng như hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN với Liên minh Châu Âu.
Trao đổi về hợp tác song phương và đa phương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Hà Lan có tiếng nói ủng hộ về vấn đề Biển Đông, yêu cầu chấm dứt ngay những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, không có thêm các hành động gây phức tạp, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nghiêm túc tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực như môi trường, nông nghiệp, văn hóa, du lịch...
Về hợp tác giữa Nghị viện 2 nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Ari nhất trí thời gian tới 2 bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, qua đó, phát triển quan hệ giữa 2 nước ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên mọi lĩnh vực; tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương; phối hợp giám sát thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký, trao đổi thông tin về hoạt động nghị viện mỗi nước. Hai bên cũng nhất trí xem xét việc thành lập Nhóm nghị sỹ hữu nghị để tạo cơ chế trao đổi, hợp tác giữa các nghị sỹ của hai nước.