(VOV5) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Lạng Sơn sớm khắc phục nhanh những thiệt hại, hỗ trợ gia đình có người chết, nhà cửa của nhân dân bị hư hỏng.
Tối qua, 31/07, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, tính đến tối qua, 31/07 thiệt hại do mưa lũ đã làm 2 người thiệt mạng, gần 100 hộ gia đình bị sập, hư hỏng nhà cửa do sạt lở đất và bị ngập lụt, hơn 1.300 ha lúa và hoa màu, nhiều gia súc, gia cầm, thuỷ sản bị cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Lạng Sơn sớm khắc phục nhanh những thiệt hại, hỗ trợ gia đình có người chết, nhà cửa của nhân dân bị hư hỏng. Đặc biệt, sớm có giải pháp hỗ trợ bà con bị thiệt hại ổn định cuộc sống, gia cố các công trình thuỷ lợi trọng yếu trên địa bàn, kiên quyết cưỡng chế bà con tại những vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở cao:
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN) |
Chiều cùng ngày, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những cố gắng của tỉnh trong việc nhanh chóng khắc phục khó khăn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí khôi phục nhanh các tuyến giao thông huyết mạch; Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn than khoáng sản khẩn trưởng xử lý bùn thải tránh sụt lún khu dân cư trong những ngày qua: “Tiếp tục khắc phục hậu quả về vệ sinh môi trường, đề phòng dịch bệnh, vệ sinh đường phố để hoạt động bình thường. Chăm sóc người bị thương, thăm hỏi gia đình bị nạn, đảm bảo ăn ở, nước uống sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt là đảm bảo giao thông đi lại. Không để dân bị thiếu đói, bệnh tật xảy ra. Theo dõi thời tiết là việc rất cần thiết để sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng ứng cứu khi tình huống xấu tiếp tục xảy ra trong phạm vi toàn tỉnh. Chúng ta phải luôn xem xét cụ thể về quy hoạch dân cư một một vùng nguy hiểm để có kế hoạch di dời, nhắc nhở các bãi thải của ngành than”.
Hơn 600 người, là những vị khách du lịch cuối cùng trên đảo Cô Tô đã được tàu hải quân đưa về đến đất liền an toàn. Tính tới thời điểm này, tàu hải quân đã vận chuyển đưa hơn 1000 du khách về đất liền an toàn trong điều kiện thời tiết cực xấu.