Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 3/7, đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn có buổi làm việc với Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản (GIPS), thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản  - ảnh 1Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn đã có buổi làm việc với Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản (GIPS), thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.( TTXVN) 

 Tại Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gặp Chủ tịch Viện Akihiko Tanaka và có buổi trao đổi học thuật với giáo sư Masahiro Horie, Giám đốc Trung tâm phát triển lãnh đạo cấp cao toàn cầu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ và truyền thông, để tìm hiểu về nền chính trị Nhật Bản, kinh nghiệm cải cách, đổi mới và quản lý công của Chính phủ Nhật Bản.

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu hy vọng với trọng trách là Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản, ông Akihiko Tanaka sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Về phần mình, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản Akihiko Tanaka cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Viện nghiên cứu chính sách Nhật Bản với các cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Quốc hội Việt Nam với vai trò được giao thời gian qua đã tiếp tục đóng góp thông qua nhiều luật quan trọng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mong muốn Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục khẳng định vai trò, làm cầu nối thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản cho các dự án lớn này.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến thăm Tập đoàn Canon của Nhật Bản. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu