Ông Nguyễn Xuân Phúc được Chủ tịch nước giới thiệu bầu là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Hoàng Hướng
Chia sẻ
(VOV5) - Sáng nay (26/7), tại kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa 14, Chủ Tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. 
(VOV5) - Sáng nay (26/7), tại kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa 14, Chủ Tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.


Tờ trình của Chủ Tịch nước giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 để Quốc hội thảo luận và bầu là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.


Ông Nguyễn Xuân Phúc được Chủ tịch nước giới thiệu bầu là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 - ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Phúc được Chủ Tịch nước giới thiệu bầu là Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021

Trước đó, trong phiên làm việc buổi sáng, quốc hội  nghe  báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang Bộ. 

Một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị thành lập Bộ gia đình, phụ nữ và trẻ em hoặc Bộ thanh niên và trẻ em; thành lập cơ quan quản lý nhà nước về biển đảo, gồm kinh tế biển, môi trường, an ninh biển; cơ quan quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.  Cũng có ý kiến đề nghị tách hoặc sát nhập một số bộ khác. Tiếp thu ý kiến đại biểu và giải trình trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Cơ cấu của Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ QH khoá XII đến nay, phù hơp với xu thế chung của thế giới, phát huy hiệu quả, góp phần cải cách hành chính, thu gọn bộ máy cơ quan nhà nước. Chính phủ đề nghị giữ nguyên tên gọi các bộ như hiện nay vì việc đổi những tên gọi đã được sử dụng thời gian dài, cả trong nước và quốc tế sẽ gây lãng phí và nảy sinh nhiều phức tạp trong hoạt động. Chính phủ sẽ khẩn trương ban hành quy chế làm việc của Chính phủ,  Nghị định khung, Nghị định quy định chức năng,  nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ; bảo đảm thu gọn đầu mối, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ ngành địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu”.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ với 462/469 đại biểu đồng ý , chiếm 93,52% tổng số đại biểu quốc hội.

Cuối buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. 

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo thảo luận tại đoàn về nhân sự Thủ tướng Chính phủ  và bầu chức danh Thủ tướng bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố,  Thủ tướng  Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ tuyên thệ nhậm chức.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu