Nỗ lực hành động vì phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em.

Quyền của phụ nữ và trẻ em là một bộ phận cấu thành không thể tách rời trong toàn bộ các quyền con người. Thời gian qua, Việt Nam luôn thể hiện những nỗ lực trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em, đồng thời coi việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em là nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững.

Nỗ lực hành động vì phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam - ảnh 1An toàn cho phụ nữ và trẻ em cũng là nội dung quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam cam kết thực hiện. Ảnh minh họa: Vietnamnet

Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về quyền con người nói chung, quyền của phụ nữ và trẻ em nói riêng, Việt Nam đã tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp nội dung, tinh thần của các cam kết quốc tế, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em.

Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mang tính đột phá nhằm bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Trong đó, Điều 19 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp  luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; và tại khoản 1 Điều 20 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm”; khoản 2 Điều 36 quy định “... Nhà nước bảo hộ quyền lợi bà mẹ và trẻ em”;…  Cụ thể hóa Hiến pháp 2013, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Trẻ em năm 2016.

Trong đó, Luật Bình đẳng giới xác định mục tiêu là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Luật Trẻ em quy định cụ thể các quyền và bổn phận của trẻ em; các chính sách và biện pháp cơ bản về chăm sóc, giáo dục, văn hóa, thông tin, đặc biệt là về bảo vệ và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Luật cũng quy định chi tiết trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Bên cạnh đó, một số đạo luật quan trọng như Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (đang được sửa đổi, bổ sung); Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014... đều có quy định nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em.

Nỗ lực hành động vì phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam - ảnh 2Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của phụ nữ cả nước. Ảnh: baochinhphu.vn

Việt Nam cũng đã ban hành và nỗ lực triển khai các chính sách, giải pháp nhằm bảo đảm các quyền của phụ nữ và trẻ em như: Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025… 

Với nỗ lực của của cả hệ thống chính trị, cho tới nay, công tác bảo đảm quyền phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Điều này còn thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỉ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.

Về giáo dục, tỷ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân bằng. Về chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu