Những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước nên đưa ra trưng cầu ý dân

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5)- Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là nội dung chính được các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, thảo luận sáng 12/11 ở Hà Nội.
(VOV5)- Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân là nội dung chính được các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, thảo luận sáng 12/11 ở Hà Nội.

Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân được Quốc hội giao cho Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo.

Các đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước đối với những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước. Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân đề cao nguyên tắc quyền lực của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội. Theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi địa phương, vùng thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước nên đưa ra trưng cầu ý dân  - ảnh 1
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Ảnh: Ngọc Thành


Ông Bùi Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, góp ý: “Theo tôi những vấn đề đặc biệt quan trọng phải là những vấn đề có tác động rộng lớn, ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước, đến chiều hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, là vấn đề được dư luận nhân dân cả nước quan tâm và cũng là vấn đề khách quan đòi hỏi phải huy động được ý chí toàn dân mới giải quyết được vấn đề đó. Đồng thời khi vấn đề được quyết định đưa ra trưng cầu ý dân thì vấn đề này cũng phải được thông tin chính thức, đầy đủ cho người dân để họ chọn phương án chủ động nhất và quyết định của cử tri được sáng suốt, có trách nhiệm hơn.”

Các đại biểu Quốc hội khẳng định trưng cầu ý dân nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp. Việc xây dựng Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân cũng nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Dự kiến, Luật Trưng cầu ý dân sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngay tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Trong ngày, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; nghe Tờ trình về dự án Luật về hội và thảo luận Dự án Luật quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu