Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng

Chia sẻ
(VOV5) - Hai bên khẳng định Việt Nam và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau và có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng.

Tối 8/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe từ ngày 4 - 8/6. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về kết quả chuyến thăm.

Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng - ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) hội đàm cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VOV

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung nêu rõ Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản là nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực. Chuyến thăm góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hai bên đã đạt nhất trí về những định hướng lớn cùng các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thực chất mọi mặt, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đến văn hóa, giáo dục...    

Về hợp tác chính trị an ninh, hai bên khẳng định hai nước là đối tác quan trọng của nhau và có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí tăng cường tin cậy chính trị và duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm và khẳng định phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương.

Nhật Bản và Việt Nam là đối tác chiến lược sâu rộng - ảnh 2Ảnh minh họa : Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sân bay. Ảnh: VOV 

Phía Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thêm tàu tuần tra để nâng cao lực lượng thực thi pháp luật trên biển cho Việt Nam. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động đơn phương bao gồm quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, làm phức tạp, mở rộng tranh chấp tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có hiệu lực.

 Về hợp tác kinh tế, đầu tư, Nhật Bản khẳng định tiếp tục cung cấp Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ cải cách, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng tham dự Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á lần thứ 23, một diễn đàn đối thoại chính sách có uy tín ở khu vực, tổ chức tại Tokyo từ 5-6/6. Với sự tham dự của Thủ tướng tại hội nghị, Việt Nam đã đóng góp tiếng nói ở cấp cao vào những vấn đề đang rất được quan tâm ở khu vực và trên thế giới là toàn cầu hoá, thúc đẩy thương mại tự do, phát triển bền vững và bao trùm.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu