Nhà báo Hữu Thọ: Đi giữa lằn ranh tới mặt trời

Theo Ngô Hương Sen/Nhân Dân
Chia sẻ
(VOV5)- Như tin đã đưa, nhà báo lão thành Hữu Thọ vừa đột ngột qua đời vào sáng 13/8, hưởng thọ 83 tuổi.

(VOV5)- Như tin đã đưa, nhà báo lão thành Hữu Thọ vừa đột ngột qua đời vào sáng 13/8, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà báo Hữu Thọ sinh ngày 8/1/1932 tại Hà Nội. Ông tên thật là Nguyễn Hữu Thọ và có nhiều bút danh khi viết báo là Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính.

Nhà báo Hữu Thọ nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân; nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Quốc hội các khoá IX, X; nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). 

Sau đây, VOV.VN xin giới thiệu bài viết về nhà báo lão thành Hữu Thọ đăng trên báo Nhân Dân online ngày 21/6/2013:

1. Căn nhà nhỏ dưới tán rợp xanh um của cây sấu già khuất nẻo trong ngõ nhỏ trên con phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, nhắc tên ông là ai cũng lập tức chỉ ra. 

Nhà báo Hữu Thọ thường thức dậy từ bốn giờ sáng, đi bộ thể dục giữa cái tịch mịch tĩnh lặng của phố xá lúc chưa kịp tắt đèn đường, rồi trở về ngồi vào máy tính đọc và viết. Cựu học sinh trường Bưởi nức danh một thuở, thuộc diện hào khí của thời “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” nên chiêm nghiệm ra, ông hay tự trào mình thiệt thòi vì ít học, không được đào tạo tới nơi tới chốn. “Biết thân biết phận”, tự học, tự đào tạo là cách ông rèn cặp mình, đến tận giờ vẫn một niềm say mê không ngừng nghỉ. Học thầy, học bạn, học người chung quanh, mày mò quan sát tìm hiểu rồi dần dà, hình thành nên phong cách một nhà báo chẳng thể đụng hàng với số đông trong cái dằng dặc dài của lịch sử báo chí Việt Nam thế kỷ 20, thập niên đầu thế kỷ 21.

nha bao huu tho: di giua lan ranh toi mat troi hinh 0
Nhà báo Hữu Thọ (Ảnh: Quang Trung)


Ông nhận mình thuộc tuýp cán bộ không được chọn nghề, cả năm trời làm phóng viên Báo Nhân Dân sau thời gian đảm đương trọng trách lãnh đạo một huyện, ông đã chán, đã thoái chí định chuyển ngang lần nữa. Xét một năm chưa có câu chữ nào ra hồn, dẫu được đăng, cái tên được “ty pô hóa” rỡ ràng trên mặt báo, so ra với các tác phẩm xứng đồng tiền bát gạo của đồng nghiệp, ông lại rầu lòng buồn nản cho những ngày rộng tháng dài bị biến thành vô tích sự. May mắn, bên cạnh ông luôn có bạn bè bằng hữu. 

Nhà báo Thép Mới động viên: “Trông mặt mũi cậu đến nỗi nào đâu mà viết chán thế. Cậu biết chán vì sao không, vì bài của cậu luôn dẫn ý kiến ông này ông kia, lãnh đạo này nói xuôi, lãnh đạo kia nói khác. Vậy còn ý kiến của cậu đâu, đâu là nhận định riêng của cậu?”. 

Ơ rê ca, bài học đầu đời không phí tổn đã thành hành trang thứ nhất để ông dấn thân vào nghề. Rồi nữa, thời điểm ấy nhà báo Thép Mới đang nổi như cồn, tiếng tăm rộng khắp, một người bạn của ông lại tham góp: “Xã hội đang thần phục Thép Mới lắm, tuy nhiên trên đời này chỉ cần một Thép Mới là đủ. Giờ cậu phải là một thép khác đi”. Ông càng vỡ lẽ, mình phải luôn là mình, có học đòi bắt chước ai thì cả đời cũng chỉ làm học trò, chẳng bao giờ định vị nổi dấu ấn cá nhân giữa cái mênh mông chốn trần ai thương khó.

Học ở người, lĩnh hội ngay trong cuộc sống nên suốt cuộc đời mình, Nhà báo Hữu Thọ luôn sẵn đức khiêm cung, phẩm hạnh của bậc trí giả. Không thế, ông sao có thể ngay khi là lãnh đạo vẫn quán xuyến trọn công việc hằng ngày của từng thuộc cấp. 

Ông kể, giai đoạn chưa dùng máy tính, dẫu bận rộn tới đâu, ông cũng duy trì thói quen chép tay các câu văn hay, đoạn văn đẹp đọc được rồi lưu giữ thành từng tập tài liệu mà ông gọi là “phích”. Có lần ông gọi một phóng viên dưới quyền lên phòng Tổng Biên tập để phê bình, trước khi nói lời chê, ông tẩn mẩn lật giở những trang “phích” viết tay và nhẩn nha khích lệ: “Đây cậu xem, nhiều năm qua tôi đã chép được bao nhiêu đoạn văn đặc sắc trong các bài viết của cậu. Giờ tôi khiển trách cậu vì một năm gần đây, tôi chẳng thể chép được câu chữ nào thêm nữa”. 

Ông nâng niu trân trọng từng con chữ của phóng viên, tận đến giờ vẫn nhớ như in và tấm tắc với một từ hay, một cách so sánh chuẩn mực hoặc các chi tiết đắt giá mà ông ví như kim cương: “Có anh tả con lợn béo múp như quả sim. Phải tinh lắm, gần gũi với đời sống người dân miền núi lắm lắm mới có cách nghĩ giàu hình ảnh đến thế”. 

Làm một nhà báo được yêu không khó, làm nhà báo để được trọng lại khó vô cùng, thấu đạt lẽ đời nên với ông mỗi bài báo không chỉ là việc ghép nối cơ học các chữ cái cho tràn trang giấy, đó phải là một thông điệp dành cho cuộc sống, một lượng kiến thức nhất định truyền tải tới người đọc và những trăn trở suy tư, cả muôn nỗi bất cập của đời được hướng tới số đông.

2. Hữu Thọ là một ngoại lệ đặc biệt, một trong số những nhà báo hiếm hoi tiến dần được từ chân phóng viên thường tới các vị trí quan trọng: Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và trợ lý Tổng Bí thư cho đến khi về hưu, ở tuổi cũng 70 có lẻ. Càng hiếm hoi hơn nữa khi ở vị trí nào ông cũng viết, trong “y phục” nào ông cũng có những câu chữ mà đọc một lần người đời chưa hẳn đã luận hết ra. Nhìn thấu được và nghiệm ra được, người hay nghĩ như ông không khỏi nhói lòng, bứt rứt. 

Trong cương vị Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, được giao soạn dự thảo của Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), ông cùng các đồng sự đã rạch ròi một câu không hề xa lạ với thực tế cuộc sống, chỉ chưa từng xuất hiện trong các văn bản thuần chính luận: “Có những người dùng cả những âm mưu hèn hạ để hãm hại nhau”. 

Bản thân ông thời khắc ấy, cũng rưng rưng vì nỗi đau dồn nén vào lời đã được Bộ Chính trị chấp nhận trình Trung ương. Nhận diện được sự thật nhiều phiền muộn, điểm mặt chỉ tên rõ ràng rành rẽ những điều chướng tai gai mắt, những dồn ứ tồn đọng trong cơ chế khiến không ít người dân bi quan chán nản, nhưng lại bất lực bởi chưa thể cách chi buộc sự ngáng trở ấy bị triệt tiêu, “người hay nghĩ” như Hữu Thọ đương nhiên phải nhân lên theo cấp số nhân nỗi đau đời. Suy cho cùng, đấy cũng là cái ách nặng mang, có khi đến trọn kiếp làm người của một trí thức.

3. Ngay khi còn làm cán bộ lãnh đạo, nhà báo Hữu Thọ đã không làm những đồng nghiệp trẻ cảm thấy e dè ngại ngần khi tiếp xúc. Ngược lại, ở ông luôn thường trực dáng vẻ dễ gần, dễ làm người đối diện yên tâm tin cậy. 

Tiếng là về hưu, ông cũng ít khi được ngơi nghỉ. Người trẻ gọi, người già tìm đến, chỗ này nhờ cậy chỗ kia năn nỉ, sở học và bề dày kinh nghiệm được tích tụ qua lăng kính thâm sâu, càng thâm sâu hơn do độ nhào nặn thời gian của ông luôn hấp dẫn các thế hệ người làm báo. Chừng mực đấy mà sang trọng đấy, Hữu Thọ chưa thôi đặt mình ở vị thế “người hay cãi”, hay phản biện chính mình, người lúc nào cũng tự làm khó bản thân bởi ăm ắp suy tư “bàn góp sự đời” đánh trúng vào tâm can sự vật, hiện tượng. 

Ông bảo theo thói thường tình, ai cũng thích dùng dao sắc, dù ai cũng sợ đứt tay. Dẫu sao mặc lòng, ông vẫn chọn cho mình số phận “sắc như dao” để các đời thủ trưởng nếu có không yêu, cũng không thể nào bỏ được. Nhưng trong thẳm sâu một vùng tâm khảm, lúc một bóng một hình cật vấn lẫn nhau, dường như ông vẫn còn những vướng vất chạnh lòng, những nuối tiếc của người chưa thể giải tỏa hết nguồn năng lượng dồi dào, không cách chi dẫn dắt con đường đi của mình cho hanh thông, tới ngọn nguồn bến bờ cuối. 

Ngày ông ra sách mới, từ Cần Thơ bạn ông, GS, TSKH Nguyễn Văn Luật gửi thư chia sẻ: “Ông nói rất hợp lòng dân, viết rất hợp lòng dân, nhiều người đồng tình. Nhưng cả những người đồng tình ấy, cũng có thể lại không được bỏ phiếu cho ông”. Thói đời, ông hơn ai tỏ tường thấu đạt, lẽ đời ông minh định được trong lòng bàn tay, tới giờ sau rất nhiều những tung hô của người đời, sau những vị trí đã qua những “chiếc ghế” đã ngồi, danh xưng ông thích được đặt kèm tên mình nhất, chỉ đơn giản là: Nhà báo Hữu Thọ.

Khuôn mặt đẹp hồn hậu, mái đầu phơ phơ bạc và vành tai to, rất to, đúng kiểu quý ông có nhân tướng làm quan, Nhà báo Hữu Thọ đang ung dung tự tại khi đã được quyền gác lại sang bên một sự nghiệp bề thế, một danh tiếng luôn được mến yêu trọng thị. 

Có đủ những cái gạch đầu dòng khơi gợi niềm mơ ước cho lớp cháu con hậu bối, ông vẫn tâm niệm, thời của ông làm báo dễ hơn bây giờ: “Thế giới người ta cũng đúc kết rồi, nghèo thì mua nhà báo, giàu thì mua chủ báo”, giờ khó khăn nan giải hơn, nhiều cạm bẫy hơn, thách thức người cầm bút hơn bởi đến cả chân lý cũng đâu dễ gì định lượng, và con người tồn tại trong môi trường luôn buộc mình lựa chọn không chỉ đúng sai phải trái mà cả phe cánh, bè nhóm: “Anh cần chọn một cái ô, nếu không chịu đứng dưới cái ô nào sẽ bị nước của cả hai ba giọt ranh giỏ xuống đầu ướt sũng. Song như thế, ít nhất anh còn được tận hưởng ánh sáng mặt trời, dẫu bé, dẫu nhỏ nhoi nhưng là mặt trời ngay trên đầu chứ không phải vùng tối của cái ô”. 

Ông cũng vậy, điềm tĩnh minh triết, mang phong thái hào hoa Hà Nội và cốt cách người quân tử, khéo léo đi qua những lằn ranh nghiệt ngã để hướng tới mặt trời. Sinh năm 1932, ngày cuối năm Tân Mùi, tự chọn cho mình bút danh Nhân Nghĩa, Nhà báo Hữu Thọ y như một nhánh xum xuê của cái cây đa cổ thụ ở sân 71 Hàng Trống, nhìn xoay nghiêng thẳng, góc nào cũng thấy ấm lòng và đẹp.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu