Ngày 18/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời Milan, tới Roma thăm Tòa thánh Vatican

Thành Chung,phóng viên VOV đưa tin từ Milan
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican  trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ tích cực giữa Việt Nam và Tòa thánh.

(VOV5) - Theo chương trình, chiều 18/10, (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời thành phố Milan, kết thúc chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 và đến Thủ đô Roma, bắt đầu thăm Tòa thánh Vatican. Đây là lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican  trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ tích cực giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Trước đó, tối 17/10 (giờ Việt Nam), Hội nghị Cấp cao Á-Âu 10 bế mạc sau hai ngày làm việc. Hội nghị thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua 27 sáng kiến mới, trong đó có 3 sáng kiến của Việt Nam về "Hội thảo ASEM về quản lý bền vững nguồn nước nhằm bảo đảm an ninh lương thực;" "Tuần lễ thanh niên ASEM: Hành động mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết thách thức về không đói nghèo” và "Hội nghị về kỹ năng xanh hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững".

Bên lề ASEM 10, tối 17/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp lãnh đạo một số nước nhằm trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước cũng như về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.

Ngày 18/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời Milan, tới Roma thăm Tòa thánh Vatican - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Myanmar Thein Sein. Ảnh: VGP


Tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã đạt được, trong đó tập trung vào 12 lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về hợp tác Myanmar - Việt Nam ký vào tháng 4/2014; đặc biệt đề nghị Myanmar tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh và đầu tư tại Myanmar. Lãnh đạo hai nước nhất trí sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Myanmar và sớm ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Hai bên nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và hàng không tại Biển Đông.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, hai Thủ tướng  trao đổi sâu rộng về các biện pháp đưa quan hệ Việt Nam - Thái Lan phát triển hiệu quả hơn. Thủ tướng Thái Lan Prayuth đề nghị hai bên cùng khuyến khích và dành ưu đãi cho doanh nghiệp về đầu tư, nhất trí tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và các hoạt động hợp tác lao động. Thái Lan khẳng định tiếp tục đóng góp và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước ASEAN khác trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết; nhất trí trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, sẽ đóng góp thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bên lề Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj, Tổng thống Bulgary Rosen Plevneliev và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg./.
                                                                      

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu