(VOV5) - Dự án Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thảo luận chiều 20/11 tại Hà Nội.
Các đại biểu Quốc hội nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo nhằm cụ thể hóa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được hiến định tại Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết gia nhập năm 1982.
|
Đại biểu Thích Thanh Quyết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại tổ thảo luận.
Ảnh: quangninh.gov.vn |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có nhiều điểm mới, thông thoáng, tiến bộ hơn nhiều so với Pháp lệnh hiện hành về tín ngưỡng, tôn giáo như mở rộng phạm vi chủ thể quyền tự do tín ngưỡng; quy định cụ thể về sự tham gia của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, từ thiện nhân đạo; quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo nhằm mục đích tránh sự lợi dụng tôn giáo. Thượng tọa Thích Thanh Quyết, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: “Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo có yếu tố nước ngoài là điểm hoàn toàn mới trong Luật pháp tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Tôi đề nghị cần mở rộng hơn nữa vì quan hệ quốc tế của các tổ chức, cá nhân, tôn giáo ngày càng ảnh hưởng lớn trên quốc tế. Qua đó, vừa là một kênh đối thoại về chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền con người và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vừa là một kênh thông tin nữa để giao lưu tín ngưỡng tôn giáo, ngoại giao nhân dân”.
Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Cũng trong chiều 20/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Kế toán (sửa đổi).