Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa trong tình hình mới

Chia sẻ
(VOV5) - Trước đó, hôm 18/06, dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Quyền sở hữu và các quyền liên quan tới di sản văn hóa; các chính sách phát triển di sản văn hóa; khu vực bảo vệ của di tích; phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; quỹ bảo tồn di sản văn hóa; số hóa di sản văn hóa… là những nội dung quan trọng trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp sáng nay (26/06), trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trước đó, hôm 18/06, dự án Luật đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa trong tình hình mới - ảnh 1Quang cảnh phiên họp sáng 26/06. Ảnh:  quochoi.vn

Các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), nhận định dự thảo Luật đã kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những bất cập trong thực tiễn. Dự thảo Luật cũng đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát triển văn hóa và bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa của con người trong tình hình mới.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, thành phố Cần Thơ, cho rằng: "Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung di sản tư liệu và bổ sung đối tượng áp dụng rộng rãi trong cộng đồng; bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài bảo vệ khu vực di tích; về các điều kiện đảm bảo trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa… Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh này cơ bản đã bao quát các nội dung mà Luật hướng đến." 

Quan tâm tới việc bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển cho thành phố đã được UNESCO vinh danh, như: Giải thưởng mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu, Giải thưởng Mạng lưới các thành phố sáng tạo… đại biểu Tô Ái Vang, tỉnh Sóc Trăng, nêu ý kiến:     "Cần ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để khuyến khích cho những nỗ lực vượt bậc của các thành phố đã được vinh danh là thành viên của mạng lưới học tập sáng tạo, thành phố học tập toàn cầu; thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập và phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” với mô hình trường học hạnh phúc.

Cùng với đó, cần có cơ chế, chính sách quảng bá hình ảnh sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của thành phố sáng tạo trong tiến trình phát triển để tạo thêm động lực đến các thành phố khác trong cả nước. Phấn đấu đạt các tiêu chí của UNESCO tiếp tục được vinh danh, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương, đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, quảng bá đến bạn bè quốc tế. 

Cũng trong sáng nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng với tỷ lệ tán thành cao.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu