Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 bước sang tuần làm việc thứ 2

Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 24/10, tại Hà Nội, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ 2.

Trong tuần làm việc này, Quốc hội dành 2 ngày thảo luận ở hội trường về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.

Về xây dựng Luật, đáng chú ý, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự án Luật gồm: Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Thanh tra (sửa đổi); Dầu khí (sửa đổi); Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Quốc hội cũng nghe Tờ trình các dự án Luật gồm: Giao dịch điện tử (sửa đổi) Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Phòng thủ dân sự.

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 bước sang tuần làm việc thứ 2 - ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu thảo luận tổ chiều 24/10.
Ảnh Ngọc Thành/VOV.VN

Cho ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật lần này đã nâng cao hơn nữa hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền, cải thiện hơn chế định về thu thập thông tin, về xử lý thông tin và chia sẻ thông tin. Đó là 3 vấn đề Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, qua kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới cũng như thực tiễn ở Việt Nam.

Đối với Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), các đại biểu tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 32 nhóm vấn đề mới. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, nên quy định mỗi năm không có quá 2 kỳ họp bất thường; việc gửi các văn bản dự thảo cho đại biểu cần tuân thủ đúng quy định của Luật ban ban hành quy phạm pháp luật (chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp) để đại biểu có thời gian nghiên cứu, từ đó có những góp ý chất lượng để xây dựng Luật.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu