Khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chia sẻ
(VOV5) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, ...

Sáng 15/5, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ khai mạc phiên họp thứ 10. Diễn ra trong 3 ngày làm việc (từ 15/5- 17/5), tại phiên họp,  Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng như chỉnh lý (lần 3) dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Bộ Luật hình sự (sửa đổi; cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội - ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh:Quốc hội)

 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh Phiên họp thứ 10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội có rất nhiều nội dung quan trọng; đề nghị các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội dành thời gian để tranh luận, nghiên cứu kỹ tài liệu và có những ý kiến đóng góp chất lượng vào các nội dung để chuẩn bị trình ra kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Sau phiên khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai những tháng đầu năm nay. Cơ bản tán thành với kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm như báo cáo Chính phủ nêu song nhiều ý kiến đánh giá kinh tế xã hội Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phân tích: “Số doanh nghiệp thành lập mới tương đối nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Trong đó doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhưng đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế mà lý do là được hưởng nhiều ưu đãi trong khi doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn ưu đãi. Vấn đề này cần đánh giá kĩ thêm để làm cho rõ, để có đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước phát triển. “

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu