Hồi phục nhanh kinh tế cần nhiều giải pháp đồng bộ

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, nợ công…

Ngày 13/6, Quốc hội bắt đầu ngày đầu tiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2019; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. 

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng so với thời điểm cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP, và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách, nợ công…

Hồi phục nhanh kinh tế cần nhiều giải pháp đồng bộ - ảnh 1 Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch QH điều hành phiên họp ngày 13/06. Ảnh: TTXVN

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu chung ý kiến “trong khi nhiều quốc gia đang căng mình chống dịch bệnh, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn sau khi đã khống chế được Covid-19”. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp hồi phục nhanh nền kinh tế. Đại biểu Phạm Đình Toản, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, nêu ý kiến: Trong điều kiện nguồn thu ngân sách bị giảm trong năm nay, cần làm tốt công tác dự báo, giám sát, kiểm tra, thanh tra có hiệu quả đối với ngân sách Nhà nước, tài sản công, chống thất thu. Có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó cần điều chuyển vốn kịp thời giữa các ngành, địa phương. Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước.

Đề cập các chính sách tài khóa, đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu quốc hội đoàn Phú Thọ, đề xuất:  Khi kinh tế suy giảm, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ phải có liều lượng phù hợp, cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, độ mở của nền kinh tế lớn. Các chính sách miễn giảm, giãn thuế chỉ phù hợp với các doanh nghiệp còn hoạt động, do đó cần có chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn. Để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp, ngoài chính sách tiền tệ, cần giãn thời gian nộp thuế kể cả đến năm 2021.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 13/6, một số thành viên Chính phủ tham gia giải trình trước Quốc hội về vấn đề nông nghiệp, du lịch, văn hóa - xã hội…

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu