Hạ nghị sỹ Mỹ phản đối dự luật nhân quyền Việt Nam

Nhật Quỳnh/VOV-Mỹ
Chia sẻ
(VOV5)- Ngay sau khi dự luật H.R.1897 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương ra thông cáo báo chí phản đối quyết định này.
(VOV5)- Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 28/6 đã thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 (H.R. 1897), kêu gọi chính phủ Mỹ gắn các điều kiện về nhân quyền và dân chủ với viện trợ phi nhân đạo cho Việt Nam. Dự luật cũng đề nghị Mỹ phải có thái độ ứng rắn hơn đối với Việt Nam trong các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo.

Hạ nghị sỹ Mỹ phản đối dự luật nhân quyền Việt Nam - ảnh 1
Hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega

Ngay sau khi dự luật H.R.1897 được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thông qua, Eni Faleomavaega, thành viên Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ phụ trách châu Á-Thái Bình Dương đã ra thông cáo báo chí phản đối quyết định trên

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Faleomavaega nêu rõ, Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2013 không phản ánh trung thực hoặc chính xác về tình hình Việt Nam và bị ảnh hưởng bởi một số người Mỹ gốc Việt thiếu thiện chí với Chính phủ Việt Nam.  

Hạ nghị sỹ Faleomavaega nói, là một cựu binh tham chiến tại Việt Nam, ông hiểu cảm xúc của những người Mỹ gốc Việt này,  nhưng mưu toan lật đổ chính quyền và đưa ra thông tin sai lệch không phải là hướng đi đúng đắn. Theo ông Faleomavaega, đã đến lúc cần gác bỏ quá khứ và bắt đầu quá trình hàn gắn.       

Thông cáo khẳng định, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn cam kết đẩy mạnh quan hệ Mỹ-Việt và thúc đẩy nhân quyền. Việt Nam đã tham gia hầu hết các hiệp định quốc tế cốt lõi về nhân quyền cũng như đối thoại nhân quyền với Liên minh châu Âu, Australia, Na Uy, Thuỵ Sỹ và Mỹ. Việt Nam đang nỗ lực cải thiện tình hình nhân quyền thông qua việc củng cố hệ thống pháp luật và các quyền kinh tế-xã hội, văn hoá, đồng thời hoan nghênh hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện các chính sách nhân quyền.

Thông cáo có đoạn viết: “Tôi hiểu rõ vấn đề này vì cá nhân tôi đã gặp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bộ trưởng Ngoại giao và Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Tôi cũng làm việc chặt chẽ với Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường và tự hào về mối quan hệ Mỹ-Việt. Tôi tin rằng quan hệ song phương sẽ ngày một vững mạnh. Việc thông qua một dự luật không ảnh hưởng tới quan hệ hữu nghị giữa hai nước".

Hạ nghị sỹ Faleomavaega cho biết, Nghị sỹ Barbara Lee đã giới thiệu một dự luật (H.R. 2519) về trợ giúp nạn nhân phơi nhiễm chất độc da cam. Ông nhấn mạnh, Mỹ phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của hàng chục triệu lít chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, khiến những thường dân vô tội, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em phơi nhiễm với dioxin, một trong những hoá chất độc hại nhất mà con người tạo ra. Thông cáo của Hạ nghị sỹ Faleomavaega nêu rõ, bất kỳ nghị sỹ nào thực sự tâm huyết với nhân quyền cũng sẽ đồng ý rằng, đây là vấn đề nhân quyền cần phải giải quyết.      

Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với Dự luật nhân quyền Việt Nam 2013 tại phiên họp toàn thể vào tháng 10 tới. Nếu được thông qua, dự luật do Hạ nghị sỹ Ed Royce và Hạ nghị sỹ Chris Smith khởi xướng sẽ được chuyển lên Thượng viện để xem xét. Tuy nhiên, những dự luật tương tự luôn bị Thượng viện Mỹ bác bỏ./. 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu