Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi: Vươn tới chuẩn mực quốc tế về môi trường kinh doanh

Chia sẻ
(VOV5)- Đây là đánh giá của một số đại biểu Quốc hội trong phiên họp tại tổ sáng nay, về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Điểm đặc biệt quan trọng trong lần sửa đổi này là lần đầu tiên Chính phủ đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
(VOV5)- Đây là đánh giá của một số đại biểu Quốc hội trong phiên họp tại tổ sáng nay, về Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Điểm đặc biệt quan trọng trong lần sửa đổi này là lần đầu tiên Chính phủ đã đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.

Theo đó, các nội dung sửa đổi sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc thành lập doanh nghiệp; đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế. Ngoài ra, việc sửa đổi lần này được đánh giá sẽ tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí cho tổ chức quản trị doanh nghiệp, cơ cấu lại doanh nghiệp cũng như tạo thuận lợi hơn và ít tốn kém hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư rút lui khỏi thị trường.

Nhiều đại biểu cũng tán thành việc Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi đã bổ sung khái niệm doanh nghiệp vì mục tiêu xã hội nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội, góp phần cùng với Nhà nước trong giải quyết vấn đề xã hội và môi trường.

Dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi: Vươn tới chuẩn mực quốc tế về môi trường kinh doanh  - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng Luật DN hiện hành quy định thông thoáng trong khi thành lập. Ảnh VGP/Lê Sơn

Trong khi đó, quy định bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, không ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật) cũng là những điểm sửa đổi được nhiều đại biểu tán đồng.

Đánh giá tổng quan về dự án Luật doanh nghiệp sửa đổi, ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng: “Dự án luật doanh nghiệp sửa đổi đã giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất là đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp. Thứ 2 là giảm được chi phí, thủ tục những điều kiện phiền hà, tạo nên sự tự chủ và khả năng khai thác năng lực sáng tạo trong kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ ba là chúng ta đã hướng vào hội nhập, đặc biệt hướng vào mục tiêu sắp tới là TPP (Hiệp định đối tác xuyên châu Á – Thái Bình Dương). Đây là 3 nội dung rất lớn và thể hiện rõ hơn và giải quyết được những tồn tại trước mắt cũng như hướng lâu dài, những điều kiện của hội nhập cho hôm nay và tương lai.”

Hiện nay Việt Nam xếp hạng 109/189 quốc gia và nền kinh tế về chất lượng các quy định của Nhà nước về khởi sự doanh nghiệp nhưng nếu Luật doanh nghiệp được sửa đổi theo đúng những quy định như trong Tờ trình của Chính phủ thì dự báo, xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng 50 bậc, có nghĩa là sẽ nằm trong nhóm 30% các nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu