Ngày 15/6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Theo các đại biểu, dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá, nếu xét về vai trò trong phát triển kinh tế, tài nguyên dầu khí chỉ đứng thứ hai sau đất đai. Do đó, một trong những định hướng sửa đổi quan trọng trong Dự thảo luật là cần hình thành cơ chế đặc thù để tận dụng lợi thế của nguồn tài nguyên này. Đại biểu Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình, thống nhất cao với Chính phủ về mục tiêu sửa đổi Luật Dầu khí lần này nhằm tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và tư nhân trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Đại biểu kiến nghị cần có chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhưng trên cơ sở hài hòa giữa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư.
ĐB Phan Đức Hiếu: Cần có chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế. Ảnh Thoibaotaichinh.vn |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi đề nghị bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác điều tra cơ bản dầu khí cũng như các hoạt động dầu khí khác, nhất là ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021. Cùng ngày, Quốc hội thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi), Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi), phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.