Dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông

Chia sẻ
(VOV5)-  Báo chí khu vực và quốc tế ngày 12/5 đăng tải nhiều bài viết và ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với các quan điểm đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar kết thúc ngày 11/5.

(VOV5)-  Báo chí khu vực và quốc tế ngày 12/5 đăng tải nhiều bài viết và ý kiến bày tỏ sự ủng hộ đối với các quan điểm đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar kết thúc ngày 11/5.


Các bài viết và các ý kiến đều khẳng định tầm quan trọng của ASEAN trong việc việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ trích bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11/5. Theo Hãng tin AP của Mỹ, nhiều thành viên ASEAN đồng loạt phản đối yêu sách chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc và tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh bày tỏ quan ngại về tình hình, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực đồng thời không làm tình hình trở nên phức tạp hơn. Trang tin News Sentinel của Mỹ dẫn lời nhiều nhà phân tích cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm túc xem xét việc kiện Trung Quốc lên tòa án Công lý Quốc tế trong 1 vụ kiện riêng hoặc cùng tham gia với Philipines trong trận chiến pháp lý và mở ra một mặt trận ngoại giao phản đối Trung Quốc.

Hãng tin AFP của Pháp, Thời báo Myanmar, kênh tin ABS - CBN đăng bình luận của Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua ở Myanmar, rất nhiều lãnh đạo trong khu vực bày tỏ quan ngại trước “sự đối đầu nguy hiểm” trên Biển Đông giữa một số nước với Trung Quốc. Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết để thúc đẩy việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cũng nhấn mạnh sự cần thiết có một ASEAN đoàn kết trong vấn đề này và khẳng định cần phải thúc đẩy là các biện pháp hòa bình nhằm giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982.


Nhiều tờ báo lớn của Đức đã đăng tin, bài bày tỏ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc. Tiến sỹ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và chính trị Đức (SWP), đã bày tỏ phê phán hành động này của Trung Quốc. Tiến sỹ Will nêu rõ "Hành động của Trung Quốc rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết". Ông khẳng định hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền vô căn cứ đối với vùng biển của Việt Nam này, thể hiện chính sách sức mạnh của mình thông qua các hành động như chiếm đảo, tăng cường quân sự... Tiến sỹ Will cũng cho rằng căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như không phục vụ lợi ích lâu dài của Trung Quốc.

Cùng ngày, báo chí Ai Cập đều lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Trang web tiếng A rập của kênh truyền hình Aljazeera, cũng đưa tin về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981. Nguồn tin mô tả việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc là hành động khiêu khích, không có lợi cho an ninh khu vực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế.

 

 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu