Ngày 2/6, Đối thoại Shangri-La (diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương) lần thứ 17 (SLD 17) diễn ra ở Singapore, bắt đầu ngày họp chính thức đầu tiên với các phiên toàn thể, tập trung vào nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 3 của Đối thoại Shangri-La 17 - Ảnh: qdnd |
SLD 17 có 5 phiên thảo luận chính thức, bao gồm: vai trò lãnh đạo của Mỹ và các thách thức an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; chống leo thang khủng hoảng CHDCND Triều Tiên; định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á; những khía cạnh mới của chủ nghĩa khủng bố và hoạt động chống khủng bố; nâng cao chất lượng hợp tác an ninh khu vực.
Sáng 2/6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển. Là người đầu tiên có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ ba của diễn đàn an ninh khu vực quan trọng bậc nhất của khu vực với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ ra một thực tế là những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á -Thái Bình Dương trước những nguy cơ có thực và cận kề. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng việc các bên liên quan cùng đàm phán giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương là con đường tốt nhất.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định trong cấu trúc an ninh khu vực thì ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ; ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung. ASEAN cũng đã góp phần định hình cấu trúc an ninh, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương. Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.