Đẩy mạnh hợp tác nghị viện Việt Nam - Vương quốc Anh

Chia sẻ
(VOV5) - Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, ngày 01/06, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hội kiến với Phó Chủ tịch Hạ viện Anh, bà Eleanor Laing. 

(VOV5) - Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Anh, ngày 01/06, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hội kiến với Phó Chủ tịch Hạ viện Anh, bà Eleanor Laing.

Đẩy mạnh hợp tác nghị viện Việt Nam - Vương quốc Anh - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Hạ viện Anh Eleanor Laing (thứ tư từ phải sang) và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ liên đảng Anh quan tâm tới Việt Nam George Howard (đứng giữa) chụp ảnh chung (Ảnh: TTXVN)

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảm ơn chính phủ Anh đã dành nguồn vốn ODA giúp Việt Nam trong thời gian qua; đồng thời cho biết Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của phía Anh thông qua nguồn vốn từ Quỹ Thịnh vượng mới của Bộ Ngoại giao Anh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng cơ sở hạ tầng. 

Về quan hệ giữa hai Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội hy vọng các Nghị sĩ Anh ủng hộ để Anh sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) nhằm tạo động lực mới cho kinh tế phát triển giữa Việt Nam và EU cũng như giữa Việt Nam và Anh quốc. Việt Nam cũng mong muốn giữa hai nước có sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) hay Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và sự trợ giúp của Anh trong việc đào tạo kỹ năng nghị trường cho các nghị sĩ trẻ Việt Nam.

Cùng ngày, tại buổi tiếp Nhóm Nghị sĩ liên đảng quan tâm đến Việt Nam (APPG) do Chủ tịch APPG George Howard dẫn đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trả lời các vấn đề mà các thành viên APPG quan tâm. Về các tranh chấp trên Biển Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Việt Nam là các bên tôn trọng nguyên trạng, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hoà bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Về công tác chống ngập mặn, Việt Nam coi đây là ưu tiên quốc gia và đang nỗ lực tìm cách giải quyết với sự trợ giúp của nhiều nước, trong đó có Vương quốc Anh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu