Chương trình được Chính phủ trình Quốc hội trong phiên họp sáng 28/5 của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Chương trình gồm 10 Dự án thành phần, được triển khai ở các xã, thôn miền núi có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, trong đó có chương trình giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của hộ dân tộc thiểu số; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch....
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Hà Ngọc Chiến đánh giá: “Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện hơn 100 chính sách dân tộc. Nếu tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc hiện nay, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số so với mức bình quân chung của cả nước.”
Tổng mức vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030 là gần 272 nghìn tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD). Với số vốn đầu tư này và các chương trình trọng điểm được triển khai, dự kiến đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đạt tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn...