Đảm bảo tính đồng bộ trong dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Công nghiệp công nghệ số

Chia sẻ
(VOV5) - Đây là 2 dự án luật quan trọng và có nhiều nội dung rất mới, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính đồng bộ trong quy định của 2 luật này với các luật có liên quan.

Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng nay (23/11), các đại biểu thảo luận về ở tổ về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Các đại biểu nhấn mạnh đây là 2 dự án luật quan trọng và có nhiều nội dung rất mới, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính đồng bộ trong quy định của 2 luật này với các luật có liên quan.

Đảm bảo tính đồng bộ trong dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Luật Công nghiệp công nghệ số - ảnh 1Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, sáng ngày 23/11 - Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần khuyến khích được các doanh nghiệp sử dụng vốn. Với doanh nghiệp có vốn nhà nước cũng cần linh hoạt để phát triển sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Khi Nhà nước quyết định đầu tư vào doanh nghiệp thì đó là vốn Nhà nước. Nhưng với doanh nghiệp thì đó là vốn của doanh nghiệp, do đó cần có những phân cấp cho doanh nghiệp trong đầu tư để bảo đảm kịp thời, song phải bảo đảm cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để bảo đảm tránh tiêu cực, thất thoát. Khi thấy có dấu hiệu tiêu cực phải tiến hành thanh kiểm tra ngay.

Đối với Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, các đại biểu cho rằng cần ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù, như: công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng.

Tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu